Nghề giúp việc chăm sóc ông bà

Không bằng cấp, chuyên môn, những người đến với nghề giúp việc chăm ông bà chủ yếu do thôi thúc mưu sinh. Nhưng làm rồi, họ dần gắn bó với ông bà như người thân trong nhà…  
Nghề vất vả
Bóng chiều đã ngả, tại Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng, một phụ nữ có nước da rám nắng đang ân cần xoa bóp, lau mặt, rót nước… cho một cụ ông. Nếu mọi người xung quanh không nói, ai cũng tin đó là con gái hay người thân của cụ, chứ không nghĩ là người giúp việc làm thuê.  

Bà là Phạm Thị Hoa (54 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội), đã có hàng chục năm chăm sóc người già. Gần 5 năm nay, bà chăm sóc cụ bà khó đi lại. Cuộc trò chuyện với chúng tôi liên tục ngắt quãng vì bà Hoa luôn xem giờ để đi mua thức ăn, đút cho cụ bà ăn, rồi cho uống thuốc, xoa bóp… “Cụ rất kỹ tính, lại đúng giờ nên làm việc phải chính xác giờ giấc. Chiếc khăn mặt chỉ cần vắt lệch là cụ chỉnh ngay, nhưng mình chịu nghe nên cụ quý lắm”, bà Hoa bộc bạch. Trước đó, bà cũng chăm tại nhà cho một cụ suốt 5 năm. Bà bảo, nghề này chẳng khác gì “điều dưỡng tay ngang”, phải nắm được tâm lý người già, kiên nhẫn, khéo léo, nín nhịn, chú ý học cách chăm sóc.

Đã từng có kinh nghiệm chăm sóc người già gần 20 năm, bà Đoàn Thị Phương (64 tuổi, đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy) có không ít chuyện buồn vui. Đến giờ, bà chưa quên việc mình chăm sóc một cụ bà cách nay cả chục năm. “Bà khó lắm, ăn rồi bảo chưa cho ăn, vừa uống nước xong lại nói chưa uống. Nhưng nghĩ bà cũng như mẹ của mình, mắng vài câu rồi thôi nên tôi cứ lẳng lặng làm tốt việc của mình”, bà Phương chia sẻ.

4 năm lăn lộn nuôi bệnh thuê từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh sang Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng, chị Nguyễn Thị Mãi (Nam Định) như già hơn so với tuổi 34 của mình. Chị bảo, đi nuôi bệnh phải biết tính chủ để chiều, mình làm theo ý mình, họ không chịu, hay nổi quạu, thậm chí còn mắng mình không ra gì. Vất vả nhất có lẽ là 2 năm nuôi cụ bà 86 tuổi bị tai biến, liệt nửa người và tiểu đường, rất khó tính. Không chỉ chăm ăn uống, tắm rửa, xoa bóp, chị còn phải giúp cụ bà đi đại tiện. Chị thường xuyên bị cụ “mắng vốn” mà không dám nói lại nửa tiếng, cần mẫn chăm cho bà từng bữa ăn, giấc ngủ. “Sau này tôi có việc phải nghỉ nên nhà cụ thuê người khác, nhưng thi thoảng vẫn gọi tôi qua giúp cụ, vì cụ chỉ ưng tôi làm”, chị vui vẻ nói.

giup-viec-cham-ong-ba

Cần có một tấm lòng

Trò chuyện với nhiều người nuôi bệnh mới biết, hầu hết họ đến với nghề đều do hoàn cảnh khó khăn.

Vừa xoa bóp cho cụ bà chị Phương  tâm sự: “Nhiều năm theo nghề, tôi hiểu những nhà neo người cực lắm, có khi người khỏe đổ bệnh theo ông bà. Chăm ông bà phải coi họ như người thân mới được. Nhiều gia đình hiểu, dịp lễ, Tết còn tặng quà, không làm nữa mà thi thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm, ấm lòng lắm”. Bà T. cười hiền: “Tôi không muốn thay người chăm vì sợ không ai được như cô Phương”. Bà Nguyễn Thị Loan (70 tuổi, Ninh Lộc, Ninh Hòa) cũng thừa nhận: “11 tháng chăm chồng ở bệnh viện, tôi thấy người nuôi bệnh kiên nhẫn, trách nhiệm lắm. Các cụ đau ốm, khó tính, mắng suốt ngày mà họ vẫn nhịn. Có việc phải về nhà một bữa, họ cũng nhờ người cùng làm tới chăm giúp. Cũng có người nuôi bệnh lười nhác, làm không trách nhiệm, lãnh tiền công để… ngủ, nhưng số đó rất ít.”.

Giupviec88.com

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline - 0967252998
CSKH - 0967252998