Trước đây, những người làm nghề giúp việc chủ yếu là từ nông thôn ra, do làm ruộng vất vả, thu nhập kém, trong khi giúp việc gia đình tại thành phố cũng không quá khó, thu nhập lại rất ổn định. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu thuê osin thay đổi, nhiều gia đình chọn thuê theo giờ cho đỡ tốn kém cũng là cơ hội cho sinh viên và cử nhân ra trường chưa tìm được việc kiếm thêm thu nhập.
Bên cạnh đó, nhiều bạn sinh viên cũng thích giúp việc cho các gia đình người nước ngoài, vừa được trả lương cao đồng thời cũng là dịp để rèn luyện khả năng giao tiếp, ngoại ngữ.
Trong một chương trình nghiên cứu thực hiện từ tháng 12/2016 - 9/2017 ở 5 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Khánh Hòa và TP.HCM cho thấy người giúp việc có thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Qua đối chiếu so sánh, thu nhập của người giúp việc cao hơn nhiều so với các đối tượng người lao động khác. Cụ thể, thu nhập của người giúp việc ngang bằng, thậm chí có phần cao hơn công nhân làm việc ổn định trong các doanh nghiệp với mức thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, thu nhập của người giúp việc cao hơn 2 lần so với lao động làm nông nghiệp tại địa phương với mức bình quân là 2 triệu đồng/tháng. Thế nên, có đến 57% người được phỏng vấn cho biết họ chọn công việc giúp việc gia đình vì có thu nhập cao hơn hẳn so với công việc từng làm trước đó.
Chị Thủy (quê tại Bắc Ninh, đang làm giúp việc cho một gia đình trên Hà Nội) cho biết “Ở quê làm lụng vất vả, chăm lo bón kỹ cho đồng ruộng thì 1 vụ mùa cũng chỉ kiếm được nhiều nhất là 1.5.000 đồng/1 tạ thóc, đó là còn chưa kể có những vụ bị mất trắng do bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh… Trong khi đó tôi đi làm giúp việc gia đình thì tháng nào cũng kiếm được 4,5 – 5 triệu đồng, công việc cũng không quá vất vả, lại được bao ăn ở nên có dư dả tiền để gửi về quê nhà”.
Cũng giống như chị Thủy, nhiều chị em ở nông thôn cũng từ bỏ đồng ruộng, ra thành phố tìm đến nghề giúp việc. Công việc của người giúp việc gia đình sống cùng chủ nhà cũng không quá khó khi toàn là những công việc nội trợ hàng ngày như nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc trẻ nhỏ hoặc người già ốm yếu. Nhiều gia đình ở thành thị bây giờ vì công việc bận rộn không thể quán xuyến hết việc trong nhà cũng như việc công ty, giải pháp tốt nhất là thuê người giúp việc. Thế nên, khi người giúp việc xin nghỉ để về quê hay giải quyết việc riêng trong vài ngày cũng khiến nhiều gia đình bị đảo lộn sinh hoạt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhiều khu công nghiệp mở rộng, thu hút một lượng lớn công nhân địa phương nên nhiều bạn nữ trẻ tại nông thôn chọn đi làm công nhân, lương cũng 4 - 5 triệu đồng/ tháng, dù không tiết kiệm được 100% thu nhập như đi làm osin, nhưng họ được tự do hơn và trên hết là vẫn được ở nhà. Điều này đã khiến lượng người đổ về làm osin tại thành phố giảm đi đáng kể. Bởi nếu trước đây, làm osin thành phố được coi là con đường “thoát ly” thì nay họ đã có nhiều sự lựa chọn khác. Vì thế khoảng trống này, rất may đã có những bạn sinh viên và thậm chí cả cử nhân chưa xin được việc cũng tình nguyện làm osin theo giờ.
Nhiều sinh viên vì muốn giúp bố mẹ trang trải tiền ăn học mà đã lựa chọn đi làm thêm, trong đó nghề giúp việc theo giờ là công việc được nhiều nữ sinh ưa chuộng. Nhiều gia đình vì không thích có người lạ sống cùng, lại có thể tiết kiệm được nhiều tiền khi không phải thuê cả tháng mà chỉ khi nào cần thì gọi nên hình thức giúp việc theo giờ ngày càng trở nên phổ biến. Còn đối với sinh viên thì đây là công việc lý tưởng vì vừa kiếm được thêm thu nhập mà vẫn đảm bảo thời gian học tập và sinh hoạt. Hiện các trang mạng xã hội cũng đăng tải khá nhiều thông tin tuyển dụng làm việc theo giờ có mức giá dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/giờ và thường làm trong 3 tiếng.
Ngay cả những cử nhân khi kinh tế khó khăn, khó tìm được công việc đúng ngành, đúng nghề nên cũng quyết định chuyển sang làm nghề tay trái nên nghề giúp việc theo giờ cũng rất được đội ngũ này “hoan nghênh”. Chị Thuý (cử nhân ngành Ngân hàng) chia sẻ “Tôi tốt nghiệp được 3 năm nay. Lúc đầu, xin việc khó khăn, ngân hàng hay cắt giảm nhân sự. Sau khi tham khảo hàng loạt công việc khác, tôi thấy nghề giúp việc theo giờ cũng không mất quá nhiều thời gian lại đơn giản với những công việc như dọn dẹp căn hộ, giặt giữ quần áo theo yêu cầu của các hộ gia đình. Lúc đầu tôi cũng chỉ nghĩ làm một vài tháng để kiếm thêm thu nhập và tiếp tục đi xin việc vào ngân hàng. Thế nhưng sau khi làm lại càng ham vì thu nhập cũng kha khá, kiếm được 7 - 8 triệu đồng hơn nhiều so với công việc nhân viên văn phòng lương chỉ từ 4 - 5 triệu đồng”.
Bên cạnh đó, theo bạn Hằng, sinh viên một trường ngoại ngữ tại Hà Nội chia sẻ, “rất nhiều bạn bè mình đã đăng ký đi làm giúp việc cho các gia đình người nước ngoài theo giờ. Lương thỏa thuận nhưng cũng có thu nhập tối thiểu là 200 USD/ tháng, lại được giao tiếp tiếng Anh, Pháp… để có kinh nghiệm thực tế. Mình cũng đã giúp việc theo giờ cho một gia đình người Pháp tại Tây hồ, nhưng họ nói tiếng Anh. Lúc đầu họ cũng có thử mình khi cố tình để tiền vương vãi trên bàn hay để quên trong túi khi mình giặt đồ, nhưng khi đã biết mình là người trung thực, họ rất quý hoá, coi như bạn. Cô chủ nhà lại còn dạy mình cách làm các món Âu để hợp khẩu vị mọi người trong nhà. Nếu có dịp gì đó quan trọng, cô còn tặng quà cho mình hoặc tặng quần áo, túi xách…”
Tuy nhiên, nghề giúp việc không chỉ toàn là “hoa hồng” mà cũng gặp phải rủi ro, cơ cực giống nhiều ngành nghề khác. Nhiều người làm giúp việc ở với gia đình gặp phải chủ nhà khó tính, hay soi mói, xét nét từng tí khiến họ cảm thấy bức bối và không thể tiếp tục làm lâu dài. Với giúp việc theo giờ thì phải đi lại nhiều. Có những người trong ngày hè nắng nóng phải đi từ 10-15 km hay lượn 1 vòng Hà Nội để tới các điểm làm việc. Ngoài ra có khi còn phải đối mặt với “yêu râu xanh” gạ tình. Dù có những mặt tiêu cực, hạn chế nhưng nghề giúp việc vẫn đang là một trong những nghề được nhiều người tìm đến bởi đây là công việc cứu cánh trong lúc khó khăn, vừa đem lại thu nhập lại không đòi hỏi quá khắt khe về trình độ, tay nghề. Đã có dự luật bắt buộc phải ký hợp đồng với người giúp việc để họ được hưởng quyền lợi của người lao động, nhưng trên thực tế, việc thoả thuận miệng vẫn diễn ra phổ biến khiến nghề giúp việc vẫn chưa phải là một nghề chính thức trong xã hội hiện nay, dù rất nhiều người cần đến dịch vụ này.
Giupviec88.com