Không khó để chúng ta nhìn thấy những hình ảnh các bà, các mẹ cho con ăn rong ngoài đường, ngoài sân chơi, thang máy... điều này tưởng lợi nhưng hại vô cùng. Trẻ càng ăn rong càng biếng ăn và sinh bệnh nhiều hơn.
Về khía cạnh nào đó, việc cho trẻ ăn rong có mặt tốt, là có thể trẻ ăn được nhiều hơn. Nhưng mặt tiêu cực của việc này chiếm nhiều hơn. Thường những bé biếng ăn mới phải đi rong.
Ăn rong là đưa trẻ ra ngoài, dụ dỗ trẻ cuốn hút vào những thứ xung quanh để người lớn tranh thủ đút, tương tự như khi "dụ" trẻ bằng TV, ipad..., việc ăn rong khiến trẻ ăn một cách thụ động, không có ý thức.
Theo các bác sĩ, cho trẻ ăn hết chén cháo/ chén cơm mà phải ăn rong và mất cả 1 - 2 tiếng thì hại chứ không lợi. Vừa ăn vừa chơi khiến trẻ không tập trung vào việc ăn, dạ dày không tiết ra dịch tiêu hóa, tiêu hóa thức ăn kém vì vậy, ăn nhiều cũng không hấp thụ bao nhiêu. Chưa kể, khi ăn rong, bát cháo nóng hổi sau 1 tiếng cũng thành cháo nguội, loãng, chưa kể môi trường bên ngoài nhiều vi khuẩn khiến trẻ vừa ăn cháo, vừa ăn vi khuẩn. Vậy tự hỏi, sao con tôi/ cháu tôi ngày nào cũng ăn cả chén cháo to mà người không chịu lớn, bệnh hoài!.
Không lớn vì tiêu hóa kém, bệnh hoài vì đâu chỉ ăn mỗi cơm cháo mà con ăn biết bao nhiều loại vi khuẩn, virus khác ở trong chén cháo. Do đó, cha mẹ hãy chấm dứt ngay tình trạng ăn rong cả tiếng đồng hồ, điều này vừa không tốt cho sức khỏe
Khi còn nhỏ, nhiều gia đình cho trẻ đi rong để đút ăn, trẻ ăn rất tốt, người lớn hoàn thành nhiệm vụ là mẹ/bà/giúp việc đảm, biết chăm con/cháu, ăn uống tốt, lên cân bụ bẫm, ai cũng khen.
Rồi đến 1 ngày, ta đau chân, không đưa trẻ đi ăn rong được. Ở trong nhà trẻ nhất quyết không ăn.
Rồi đến 1 ngày, ta không làm trò, không cho đi ăn rong nữa, trẻ tuyệt thực.
Rồi đến 1 ngày, tự dưng thấy hệ tiêu hóa của trẻ có vấn đề, ăn mãi không hấp thụ được, liên tục rối loạn tiêu hóa.
Rồi đến 1 ngày, trong nhà luôn sạch sẽ mà trẻ vẫn bị chân tay miệng…
Khi cho trẻ đi ăn rong, tức là chúng ta dùng các ngoại cảnh bên ngoài để chúng không tập trung vào bữa ăn và nhét cho trẻ ăn một cách thụ động. Khi ăn thụ động thì não bộ không chỉ huy hệ tiêu hóa hoạt động chủ động, các men tiêu hóa cũng tiết ra 1 cách miễn cưỡng, dạ dày cũng co bóp 1 cách miễn cưỡng, dẫn đến hiện tượng không hấp thu được hết chất dinh dưỡng, cũng không tiêu hóa được hết thực phẩm, cuối cùng làm hại cho hệ tiêu hóa.
Khi cho trẻ đi ăn rong tức là có bao nhiêu vi trùng vi khuẩn ở bên ngoài, ta hốt hết vào bát cháo rồi cố công nhét hết cái đống vi khuẩn đó vào miệng trẻ. Bệnh từ đây mà ra.
Và khi cho trẻ đi ăn rong, bát cháo để cả tiếng bên ngoài, bưng đi hết chỗ này chỗ khác. Người lớn ăn thử xem còn ngon không, tại sao cứ bắt trẻ phải ăn cho hết.
Một số trẻ khi đã cho ăn rong quen thì nhất định phải đi rong mới ăn. Trong khi đó, không ít ông bố, bà mẹ sợ con đói đành chiều ý con và cho ăn rong. Một số cha mẹ còn cho lo lắng khi cho con nhịn ăn cả ngày mà con vẫn không chịu ăn, đành phải cho đi ăn rong.
Tuy nhiên, để trị dứt điểm tình trạng phải đi ăn rong mới chịu ăn ở trẻ, cha mẹ cần phải "tinh thần thép" và thực sự kiên nhẫn.