Giúp việc gia đình là nghề đang được xã hội quan tâm. Với mong muốn quản lý thị trường lao động tiềm năng ngày càng phát triển này, Bộ Lao động Thương bình và Xã hội đã xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động (BLLĐ) về lao động là người GVGĐ. Mong muốn là như thế, nhưng để làm được điều này là vô cùng khó khăn.
Giúp việc gia đình – Thị trường lao động tiềm năng bị “bỏ ngỏ”
Hiện nay nhu cầu LĐGVGĐ đang ngày càng gia tăng và là loại hình lao động mang tính đặc trưng giới rất rõ ràng. Tuy nhiên, LĐGVGĐ vẫn bị coi là phi chính thức, chưa được ghi vào danh mục nghề quốc gia, họ chưa được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào (bảo hiểm y tế - BHYT, bảo hiểm xã hội - BHXH…); tiền công mà họ được trả cũng không tương xứng với khả năng và sức lao động của họ…
Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng đã triển khai rất nhiều mô hình hỗ trợ người LĐGVGĐ, nhất là việc vận động chính sách để giúp đỡ và quản lý họ với mong muốn: Nhà nước xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển nghề LĐGVGĐ; tăng cường công tác quản lý LĐGVGĐ, đặc biệt coi đó là một nghề và tạo cơ hội cho LĐGVGĐ được tham gia vào các tổ chức đại diện...
Quá khó thực hiện
Có rất nhiều người chưa Hiểu rõ về nghề giúp việc, dẫn đến vi phạm luật. Đã từng tham gia xét xử rất nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực LĐGVGĐ, bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn cho người chưa thành niên phản ánh, vấn đề người LĐGVGĐ là người chưa thành niên thực tế bị vi phạm rất nhiều. Do đó, pháp luật phải quy định rất chặt chẽ thì mới tránh được sai phạm và các rắc rối nảy sinh. Bởi thực tế, không ít người đại diện cho trẻ chưa thành niên cũng chính là người lạm dụng, ép buộc trẻ phải đi làm thuê, trở thành công cụ kiếm tiền cho họ.
>>> Bài viết mới nhất: Dịch vụ cung ứng người giúp việc gia đình chất lượng, uy tín
Ngoài ra, đối với trường hợp người LĐGVGĐ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thời gian điều tra, xác minh vụ việc diễn ra rất lâu và phức tạp. Nhưng trong trường hợp chỉ nghi ngờ họ vi phạm thôi thì có quyền chấm dứt HĐLĐ với họ không?. Theo bà Thanh, thường thì các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực LĐGVGĐ được đưa ra tòa xét xử rất nhiều và rất phức tạp trong quá trình giải quyết. Vì thế, ngay từ khi thỏa thuận ký kết HĐLĐ phải rất chặt chẽ, quy định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ cả hai bên phải thực hiện, tránh những phức tạp nảy sinh sau này.
Luật sư Lê Thùy Anh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội thể hiện sự e ngại về tính khả thi của Dự thảo Nghị định. Theo phân tích của chị Anh, chúng ta có hàng triệu triệu gia đình có nhu cầu và đang thuê LĐGVGĐ. Nhưng họ có muốn ký kết HĐLĐ không và có chấp nhận mua thẻ BHYT, BHXH cho người LĐGVGĐ hay không là cả một vấn đề.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định quy định xã, phường phải có trách nhiệm trong việc giám sát quá trình thực hiện trách nhiệm y tế của chủ lao động đối với người LĐGVGĐ khi họ bị tai nạn thương tích. Liệu có thống kê, giám sát việc thực thi này không? Khi họ bị ốm đau, mắc những bệnh thông thường sẽ được chủ nhà chăm sóc, chi trả tiền thuốc, khám chữa bệnh. Vậy thế nào là bệnh thông thường cũng phải quy định rất cụ thể. Có vậy chính sách mới đi được vào cuộc sống.