9 điều nhất định phải nói với người giúp việc trông trẻ

Hiện nay thuê người giúp việc trông trẻ ngày càng phổ biến với những gia đình trẻ không có thời gian để chăm sóc con trẻ. Vì vậy, để người giúp việc làm tốt được những công việc được giao, cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, nhất định bạn phải nói với người giúp việc 9 điều sau đây:

Cách xử lý tình huống khẩn cấp, gọi cấp cứu

Điều này thực sự quan trọng khi bạn không có ở nhà cũng như không dễ dàng để gọi trợ giúp. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý: 

  • Hãy kiểm tra khả năng xử lý các tình huống khẩn cấp liên quan đến trẻ (như khi trẻ bị sặc nước, bị trớ hoặc hóc dị vật...) ngay từ lúc bạn muốn thuê người giúp việc này.  Thậm chí, ngay cả khi họ chắc chắn đã có kinh nghiệm trong chăm sóc trẻ nhỏ thì bạn vẫn nên hướng dẫn lại cho họ những kỹ năng cơ bản.
  • Đặc biệt, nếu để người giúp việc đưa con bạn đến bể bơi thì hãy chắc chắn cô ấy cũng đã biết bơi, phòng khi trường hợp khẩn cấp xảy ra cô ấy có thể xử lý được.
  • Cài đặt số điện thoại của bạn và một vài người thân trong danh sách khẩn cấp để khi cần, cô ấy có thể liên lạc được ngay. Ngoài ra, bạn cũng cần ghi lại số điện thoại cấp cứu 115, cứu hỏa 114 và công an 113.
  • Thông báo địa chỉ và hướng dẫn đường đi tới bệnh viện gần nhất cho người giúp việc để cô ấy đưa trẻ đến khi cần thiết.

Sự an toàn của trẻ quan trọng hàng đầu

Hãy nói với người giúp việc điều này ngay từ ngày đầu tiên tới nhà bạn. Nhà cửa có thể bừa bãi một chút, quần áo, cơm nước có thể hoàn thành muộn hơn nhưng nhất định người giúp việc phải luôn để mắt tới trẻ, không bao giờ để trẻ ngồi một mình dù chỉ vài phút.

Trước khi bạn ra khỏi nhà, hãy hỏi người giúp việc xem liệu cô ấy có cần đi vệ sinh không để bạn trông bé. Còn nếu bạn đã ra khỏi nhà thì bạn cần quy định "điểm an toàn" là nơi người giúp việc đặt bé ngồi (có thể là trong chiếc cũi, chiếc ghế dành riêng cho em bé...). Và kể cả khi cô ấy đã đặt bé vào "điểm an toàn" thì vẫn phải chắc chắn xung quanh không có mối nguy hiểm nào với trẻ.

Tạo thói quen vệ sinh sạch sẽ

Khi nhà có trẻ nhỏ, hãy nhắc người giúp việc giữ vệ sinh sạch sẽ trong ngôi nhà để tránh các nguồn bệnh cho bé. Đây là một vài nội dung bạn cần lưu ý:

  • Trẻ cần được lau và thay bỉm mỗi khi bỉm đầy để không bị hăm tã, nhiễm khuẩn.
  • Cố gắng tắm hoặc ít nhất là thay quần áo sạch sau mỗi lần nấu nướng, cọ rửa phòng tắm.
  • Luôn rửa tay sau mỗi lần đi về sinh hoặc thay bỉm cho bé và trước khi bế bé, nấu đồ ăn, cho bé ăn.
  • Đảm bảo vệ sinh nghiêm ngặt đối với thức ăn của bé, bao gồm cả khâu chế biến, bảo quản, rửa và tiệt trùng bình sữa...

giup-viec-trong-tre

Nhắc người giúp việc cẩn thận khi chăm trẻ

Nếu bạn buộc phải giao phó việc chăm sóc trẻ sơ sinh cho người giúp việc, hãy nhấn mạnh với cô ấy rằng trẻ rất "mong manh". Bạn hãy hướng dẫn cho cô ấy cách bế con lên, cách cho ăn, cách tắm và để cô ấy được thực hành dưới sự giám sát của bạn. 

Bạn cần lưu ý người giúp việc luôn đỡ đầu và cổ khi bế trẻ, nhấc trẻ lên và trong lúc tắm cho trẻ. Người giúp việc cũng cần nắm được lịch sinh hoạt của trẻ, bao gồm cả các thông tin an toàn khi trẻ ngủ như:

  • Theo dõi nhiệt độ trong phòng
  • Để trẻ nằm trên mặt phẳng, thẳng người
  • Đảm bảo không có gối hoặc chăn xung quanh có thể trùm lên đầu của trẻ gây ngạt thở
  • Kỹ thuật quấn tã đúng

Hướng dẫn người giúp việc quản lý thời gian

Quản lý thời gian là một điều quan trọng cần ghi nhớ khi trông trẻ. Người giúp việc cần biết sắp xếp thứ tự ưu tiên các công việc và làm việc dựa trên lịch sinh hoạt của trẻ. Ví dụ, cô ấy cần biết rõ khi nào trẻ ngủ ngắn, khi nào trẻ ăn bữa chính và lên kế hoạch thực hiện các công việc khác xung quanh lịch này. 

Lúc đầu cô ấy có thể chưa quen, bạn cần giúp cô ấy lên một lịch làm việc trong ngày phù hợp.

Nói với người giúp việc tầm quan trọng của những chỉ dẫn

Hãy đưa cho cô ấy một cuốn sổ để cô ấy có thể ghi lại những lời chỉ dẫn từ bạn và đừng quên nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng. Cô ấy cần phải thuộc lòng một số nguyên tắc chăm sóc trẻ cơ bản như trẻ dưới 6 tháng không cần uống nước hay không để trẻ đang tập đi ở một mình...

Một vài gia đình lắp camera để theo dõi người giúp việc. Cách này do bạn quyết định nhưng không phải là giải pháp tốt nhất cho cả bạn và người giúp việc.

Nói với người giúp việc về sự trung thực

Là người chăm sóc con của bạn, bạn cần có niềm tin đủ ở cô ấy và ngược lại, cô ấy phải chứng tỏ cho bạn thấy điều này.

Bạn cần đưa ra những quy tắc nghiêm ngặt trong công việc như không đưa bạn bè của cô ấy tới nhà chơi khi bạn vắng nhà, không đưa trẻ ra ngoài chơi khi chưa có sự đồng ý của bạn.

Yêu cầu người giúp việc phải trung thực thừa nhận sai lầm trong chăm sóc bé. Ví dụ, nếu bé bị ngã hoặc cụng đầu vào đâu đó, người giúp việc phải nói sự thật cho bạn, bao gồm khi nào và nơi nào xảy ra tai nạn. 

>>> Có thể bạn quan tâm: Thuê người giúp việc trông trẻ, làm sao để chọn người phù hợp

Nhắc người giúp việc chú ý đến những bất thường của trẻ

Người giúp việc có thể đảm nhiệm công việc chăm bé mỗi ngày hay chỉ trong chốc lát khi bạn đi ra ngoài nhưng vẫn phải nắm được những dấu hiệu bất thường có thể xảy ra ở trẻ như nhiệt độ cơ thể bé, "đầu ra" (phân, nước tiểu), hành vi của trẻ... Nếu thấy có bất kỳ sự thay đổi nào khác thường, cô ấy cần thông báo với bạn càng sớm càng tốt. 

Ngoài ra, cô ấy cũng cần theo dõi về thời gian sử dụng đồ ăn của trẻ và những loại thức ăn gây dị ứng cho trẻ...

Nói về trách nhiệm của người giúp việc

Quản lý và chăm sóc con của người khác là một trách nhiệm lớn lao với người giúp việc bạn muốn thuê. Hãy nói chuyện để cô ấy nhận thức rõ điều này. Làm như vậy để nếu cô ấy có dẫn trẻ đi chơi ở công viên hay sân chơi thì sẽ có ý thức hơn trong việc để mắt tới trẻ và không buôn chuyện với người khác.

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline - 0967252998
CSKH - 0967252998