Từ nhu cầu tìm người để chăm sóc thân nhân bị bệnh kéo dài ở các thành phố lớn đã hình thành dịch vụ chăm sóc người bệnh tại gia, nhất là với người liệt, tâm thần, người già hóa lẫn. Nhiều cơ sở giới thiệu việc làm tại Hà Nội đã có hình thức môi giới người giúp việc chăm sóc bệnh nhân.
Số người mà các doanh nghiệp trên cung cấp thường không đáp ứng đủ nhu cầu của gia đình bệnh nhân; đặc biệt là nhu cầu chăm sóc người bệnh nằm viện. Chăm sóc người bệnh tại nhà đòi hỏi tính nhẫn nại. Với người bị lẫn hoàn toàn thì thật vất vả, phải canh chừng họ mọi lúc, mọi chuyện.
Chị Nguyễn Hoa (45 tuổi, quê Nam Định) đi chăm sóc hai ông bà già bị bệnh lú lẫn, hay quên, vừa ăn xong lại đòi ăn, khi mang đồ ăn tới thì không chịu ăn: khăng khăng bắt đổ đi vì trong cơm có thuốc độc. Khi con cái về, họ ca thán rằng người giúp việc ăn vụng, ăn cắp, lười làm... Chị thường khóc thầm và định bỏ về vì chuyện giật gân như vậy. Nhưng về sau, người nhà năn nỉ chị lại xuôi lòng, lâu dần thành thói quen chịu đựng. Chồng chị ở nhà cũng bệnh tật nhưng để kiếm tiền nuôi cả gia đình, nhất là cho con ăn học nên chị đành bỏ bê nhà cửa để đi làm. Niềm vui con cái trưởng thành khiến chị thấy gắn bó với công việc.
Chị Hà, quê Thanh Hóa, từng chăm sóc cho nhiều người bị liệt, tâm sự: "Nghề này phải người tinh thần thép mới chịu được!". Ngoài chuyện hầu hạ cơm bưng nước rót, đổ bô, tắm rửa cho người bệnh thì không ít khi bị người bệnh trút lên đầu những tràng chửi rủa xỉ vả. Có khi chỉ vì đang giặt đồ, chậm vào đưa cho người bệnh ly nước cũng đã bị chì chiết xóc óc. Chị từng chăm một quý tử bị liệt do đua xe. Quý tử này chửi mắng cả nhà, đang bữa cơm cũng la lối om xòm, dọa tự tử. Cậu nằm trị bệnh nhưng vẫn bắt mua ngay xe đời mới dựng ở góc nhà, rồi trong cơn giận dữ, cậu bắt mang xe đi đốt.Cha mẹ cũng chẳng muốn nhìn thấy con vì quá đau lòng nên thường kiếm cớ để vắng nhà. Vậy là bao nhiêu tức giận cậu dồn hết cho người làm. Thế rồi, cũng có lúc, cậu không la thét mà nằm không nhúc nhích trên xe lăn, nước mắt chảy dài trong im lặng, nhìn rất tội nghiệp... Chị đã chăm chút cậu bé như con đẻ.
Chị Châu, một phụ nữ độc thân, là người có kinh nghiệm chăm sóc người già, người bệnh nhiều năm. Chị nói: "Nghề này của chúng tôi nhiều khi nước mắt chan cơm. Tủi nhục lắm! Nhưng vì không có trình độ nên đành chấp nhận". Chị kể, trước đây chị chăm sóc hai vợ chồng ông bà ở Liễu Giai, Hà Nội. Con cái bận tối ngày, chẳng mấy khi ngó ngàng tới bố mẹ. Phòng ông bà ở lầu trệt, nhưng con cái sáng đi làm cũng chẳng chào ông bà lấy một câu. Ăn cơm tối xong ai về phòng nấy, chỉ còn lại hai ông bà với cái tivi. Bao buồn vui ông bà chỉ biết trút vào người giúp việc. Sau thời gian chăm sóc tận tình, chị được hai ông bà quyến luyến, đòi nhận làm con nuôi. Con hai cụ lập tức yêu cầu chị nghỉ việc vì nghi ngờ chị có âm mưu bòn rút tài sản... Từ kinh nghiệm chăm sóc người già, chị nhận ra rằng họ hầu như bị con cái bỏ rơi trong chính gia đình mình. Không ai có thời gian lắng nghe người già. Khi họ vừa ề à vài câu liền bị con "chặn họng". Thậm chí, có người còn tuyên bố thẳng thừng: "Hôm nay phải chịu trận với ông, mất toi mấy ván game!". Chính vì thế, khi con cháu đi hết, ông bà già ở nhà kể tội chúng cho người giúp việc nghe.
Chị Minh, Công ty Giúp việc 88 rút được kinh nghiệm từ việc môi giới người giúp việc chăm sóc người già người bệnh: "Người già như con nít vậy! Nhiều khi ngon ngọt, có lúc cáu gắt. Chăm sóc được họ, mình cần phải có tình thương. Nhiều người ít kinh nghiệm sẽ không chịu nổi, dễ tự ái mà bỏ cuộc".
Ngoài việc thuê giúp việc để chăm sóc người ốm, nhiều gia đình còn thuê bác sĩ đến tận nhà khám thường xuyên cho thân nhân. Ban đầu, các bác sĩ chỉ đến với những bệnh nhân không có khả năng đi lại: người già, người bại liệt, các em bé qua nhỏ. Sau này, có nhiều người không muốn tới bệnh viện cũng gọi bác sĩ tại gia. Vào bệnh viện mất cả buổi ngồi xếp hàng, nhiều khi vì cái xét nghiệm mất toi một ngày!
Một số người nghèo, không có khả năng đến bệnh viện cũng "liều" kêu bác sĩ gia đình. Không ít bác sĩ đã đặt chân vào các "xóm nước đen" hôi thối, nhếch nhác... Và họ cũng rất linh động, thấy bệnh nhân nghèo thì hạ giá, có khi không lấy tiền. Tận mắt thấy gia cảnh bệnh nhân quá nghèo, có bác sĩ mủi lòng, biếu thêm bệnh nhân tiền mua thuốc.
Giupviec88.com