Nghề giúp việc gia đình: Nhiều vấn đề cần giải quyết

Giúp việc gia đình là một nghề chuyên nghiệp, được quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 và các quy định khác liên quan, nhưng đến nay vẫn chưa có trong chương trình đào tạo chính thức. Khả năng cung ứng lao động giúp việc gia đình mới đáp ứng được một phần nhu cầu thực tiễn, dẫn đến nhiều chuyện “dở khóc, dở cười”; đồng thời đặt ra cho xã hội nhiều vấn đề cần giải quyết.

giup-viec-gia-dinh

Hơn 90% lao động chưa qua đào tạo

Sử dụng người giúp việc là nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình, nhất là tại các đô thị lớn… Bởi thế, lực lượng lao động này tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo thống kê chưa đầy đủ, lao động giúp việc gia đình tăng từ 157 nghìn người năm 2008 lên 246 nghìn người năm 2016; dự báo đến năm 2020, cả nước có khoảng 350 nghìn người.

Công việc giúp việc gia đình không quá khó, nhưng đòi hỏi người lao động phải tổng hợp nhiều kỹ năng. Theo “Tiêu chuẩn năng lực nghề giúp việc gia đình” do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề thuộc Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) xây dựng, giúp việc gia đình là nghề làm các việc như nấu ăn, lau dọn nhà, giặt là; chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người bệnh; chăm sóc vật nuôi, cây cảnh. Ngoài ra, lao động giúp việc gia đình cần có khả năng giao tiếp, ứng xử, kiến thức pháp luật... Giúp việc gia đình đã được pháp luật công nhận là nghề chuyên nghiệp và có chính sách bảo hộ, nên người lao động có quyền lợi và nghĩa vụ tương tự như các nghề khác.

Thế nhưng, trên thực tế, đa số lao động giúp việc gia đình chưa đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của công việc. Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng cho biết, kết quả khảo sát của Trung tâm ở nhiều tỉnh, thành phố cho thấy, 97 - 99% lao động giúp việc gia đình là phụ nữ, hơn 90% chưa được đào tạo. Người sử dụng lao động ở thành phố là chủ yếu, người lao động xuất phát từ nông thôn chiếm đa phần, nên rất khó tìm điểm chung. Sự khác biệt này dẫn đến nhiều chuyện "dở khóc, dở cười" như dư luận phản ánh.

Đáng nói hơn, dù công việc này bình đẳng như các nghề khác, nhưng đến nay nhận thức của xã hội vẫn chưa đầy đủ. Rất nhiều người lao động vẫn quan niệm họ là “ô sin”, người ở, hợp với chủ thì làm lâu dài, không hợp thì tìm nhà khác và không biết đến các chính sách an sinh xã hội mà họ được hưởng. Người sử dụng lao động vì nhiều lý do cũng ít quan tâm đến việc ký kết hợp đồng lao động, nên công việc này vẫn mang tính chất mùa vụ, thiếu tính chuyên nghiệp. “Tình trạng đó dẫn đến hệ quả là đa số lao động giúp việc gia đình chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Khi xảy ra tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng thiếu căn cứ để giải quyết”, ông Mai Đức Thiện, Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay.
Cần đào tạo bài bản
Để có thể thích ứng với xu thế phát triển, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người lao động, một số đơn vị đã chủ động đào tạo nghề cho người lao động. Cụ thể, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng cùng Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã khởi động dự án: “Thúc đẩy quyền của lao động giúp việc gia đình trong việc tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm ở Việt Nam” giai đoạn 2017-2021. Dự án được triển khai ở những địa phương tập trung nhiều lao động giúp việc gia đình như quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng…, hướng đến mục tiêu có ít nhất 1.500 lao động có thể thực hành và tiếp cận chính sách an sinh xã hội. Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đang khảo sát thị trường để nắm bắt nhu cầu thực tế của nghề này, từ đó xây dựng chương trình đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp. Đào tạo nghề cho người lao động trước khi cung ứng ra thị trường cũng được nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực này quan tâm.

Tuy vậy, lực lượng lao động qua đào tạo mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tiễn. Ông Nguyễn Tường Anh, Trưởng phòng Maketting Trung tâm Giúp việc 88, địa chỉ tại đường Trần Bình, quận Cầu Giấy cho biết: Trung bình mỗi tháng, số lượng đăng ký tuyển dụng lao động tại trung tâm lên đến hơn 1.000 người, nhưng trung tâm chỉ có thể cung ứng được 30 - 40% nhu cầu. Đa số lao động qua đào tạo đáp ứng được yêu cầu công việc tốt, song tâm lý sẵn sàng “nhảy việc” vẫn chưa được khắc phục.

Nhìn nhận thị trường lao động giúp việc gia đình đang có sự thay đổi từ việc sử dụng lao động toàn thời gian, sang bán thời gian hoặc theo giờ, ông Nguyễn Tường Anh mong muốn các cơ quan chức năng sớm đưa ra những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với nghề đặc thù này, đồng thời xây dựng khung chương trình đào tạo phù hợp. Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Tiệp, Phòng Hỗ trợ dịch vụ việc làm (Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội) cho rằng, nghề giúp việc gia đình cần được đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chương trình thống nhất… Việc xây dựng chương trình đào tạo bài bản, đưa hoạt động giúp việc gia đình hướng đến sự chuyên nghiệp, hiệu quả cũng đang là băn khoăn, trăn trở của nhiều ngành chức năng.

Trên thực tế, nghề này mang lại thu nhập tương đối ổn định cho người lao động, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Phát triển nghề còn là giải pháp giải quyết việc làm hiệu quả cho lao động thiếu việc làm, nhất là lao động nữ vùng nông thôn. Do đó, ngành, nghề đặc thù này cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, các ngành chức năng.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Giupviec88.com

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline - 0967252998
CSKH - 0967252998