Làm gì khi thấy trẻ hách dịch với người giúp việc

Khi thấy con có thái độ không đúng với người giúp việc, bố mẹ không nên đánh mắng nhưng cần tỏ rõ thái độ không đồng ý với cách cư xử như vậy, sau đó góp ý tế nhị với con rằng bố mẹ buồn khi con làm như vậy.           
Trung một cậu bé lớp 2 đã hầm hầm nói với bác giúp việc: “Bác mù à? Hỏng hết hình của người ta rồi”, khi thấy tấm hình siêu nhân để trong túi áo bị sờn vì bác không lấy ra khi giặt.
Không phải lần đầu tiên bị “cậu chủ” quát tháo nên bác giúp việc chỉ nhẹ nhàng bảo “bác xin lỗi, vì bác không để ý” nhưng Trung vẫn tiếp tục hét lên “Bác thì biết cái gì, người đâu mà ngu thế”. Thấy mẹ cậu bé lớp 2 đứng ngay cạnh nhưng không nói gì, bác “osin” lẳng lặng bỏ đi làm việc khác.
Biết hay được mẹ bênh, Trung ngày càng tỏ ra hách dịch và bày nhiều chiêu trò trêu chọc bác giúp việc.

Mỗi lần cần gì, cậu nhóc 7 tuổi thường hất hàm nói với bác bằng giọng trịch thượng, đôi khi trống không, kiểu như “Đưa cái điều khiển đây”, “Chậm thế, đợi mãi chưa có cơm ăn”, “Bác không có suất đi siêu thị đâu đấy, ở nhà mà làm hết việc đi”…      
Một lần, vì bác giúp việc không cho mượn điện thoại để nghịch, Trung vào giường ngủ của bác, thấy lọ kem chữa dị ứng da (bác osin bị chàm mãn tính) liền lấy hết ra, trét xuống nền gạch, sau đó đổ kem cạo râu của bố vào. Chưa hết, cậu bé còn lấy lọ xịt muỗi xịt vào bình uống nước của bác. Bực bội nhưng không biết làm thế nào, người giúp việc gia đình kể với mẹ cậu bé nhưng người mẹ tảng lờ, buông câu chỏng lỏn: “Nó còn bé, làm gì biết làm những việc ấy, bác nói thế phải tội”.  
 

Hay phải đi sớm về muộn, ông bà nội đều đã nhiều tuổi nên sau chị Trúc (Ba Đình, Hà Nội) cũng thuê người về giúp việc nhà. Có bác giúp việc tháo vát, chị về nhà hầu như không phải đụng tay tới việc gì, nhưng gần đây, chị Trúc lo lắng khi thỉnh thoảng thấy cô con gái 6 tuổi có thái độ coi thường bác giúp việc và việc gì cũng đẩy cho bác.      
Chiều thứ bảy, thấy phòng và góc học tập của con bừa bộn, chị nhắc bé thu dọn thì thấy cô nhóc cao giọng gọi: “Bác Hảo ơi, dọn phòng cái, bừa quá rồi đấy”. Lần khác, cô bé đi học về cởi áo khoác, bít tất ra là vứt ngay xuống sofa phòng khách, bác osin nhắc “cháu treo đồ vào chỗ kia kìa” thì bé quắc mắc: “Ai cho bác sai cháu, thuê bác về đây để làm gì?”.         
Chị Trúc thấy con hỗn với người giúp việc thì mắng bé nhưng con phụng phịu tỏ vẻ không phục. “Con nói đúng mà. Rõ ràng ông bà bảo mỗi tháng nhà mình phải trả cho bác ấy 3 triệu còn gì”, cô bé lý luận. 
“Mình cũng không biết làm thế nào, chẳng hiểu con bé học đâu cái kiểu luôn mồm sai vặt người giúp việc và lên giọng với bác ấy”, chị Trúc kể.          


Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý, Văn phòng tham vấn gia đình và trẻ em (Hội tâm lý giáo dục Việt Nam) cho biết, nhiều trẻ bắt chước bố mẹ hoặc những người lớn khác trong gia đình và có thái độ coi thường, hách dịch với người giúp việc. Điều này lâu dần trở thành một thói quen xấu, khiến trẻ dễ thành người sống vô tâm, khinh thường những người có vẻ thua kém hay ở “tầng lớp dưới”. Các em cũng dễ đánh mất lòng trắc ẩn, nhân ái.      
Để tránh điều này, đầu tiên, bố mẹ hãy luôn làm gương, cư xử đúng mực, tôn trọng những người lao động khác, trong đó có người giúp việc của gia đình mình.         
Hãy nói để con hiểu lý do gia đình cần tới người giúp việc như “Bố mẹ bận việc nên phải thuê bác làm giúp việc nhà và chăm sóc các con. Bác cũng là một thành viên gia đình và cần được mọi người tôn trọng”. Đồng thời, trong cuộc sống hằng ngày, bố mẹ cũng cần thực hành những điều mình đã dạy con, từ lời nói tới hành động với người giúp việc.    
Khi thấy con có thái độ không đúng với người giúp việc, bố mẹ không nên đánh mắng nhưng cần tỏ rõ thái độ không đồng ý với cách cư xử như vậy, sau đó góp ý tế nhị với con rằng bố mẹ buồn khi con làm như vậy. Các bậc phụ huynh cũng có thể kể cho con nghe những câu chuyện về cuộc sống của người giúp việc để khơi gợi lòng trắc ẩn, cảm thông của trẻ. Chẳng hạn: “Nhà bác Hảo ở quê nghèo lắm, bác cũng có con nhưng không được ở gần con như mẹ mà phải lên thành phố giúp nhà mình để kiếm tiền gửi về cho con bác đi học”. 
Ngoài ra, phụ huynh cần dạy con biết cách tự phục vụ bản thân, không quá ỉ lại vào người giúp việc. “Dạy con biết sử dụng đôi tay để làm việc nhà, tự phục vụ bản thân không chỉ giúp con lớn lên có thể sống tự lập, mà còn giúp trẻ phát triển trí tuệ. Tay khéo thì đầu khôn là như vậy. Hơn nữa điều này cũng giúp trẻ cảm nhận được giá trị của sức lao động và biết trân trọng những người lao động”, nhà tâm lý chia sẻ.       
Theo bà, điều quan trọng nữa là, bố mẹ cần luôn quan tâm đến con mỗi ngày. Dạy con lời ăn tiếng nói, cách giao tiếp với những người xung quanh sẽ là tiền đề để trẻ thích nghi và hòa nhập với xã hội sau này. Hơn nữa, điều đó giúp bố mẹ phát hiện ngay những biểu hiện “lệch chuẩn” của con để có thể uốn nắn ngay.

Giupviec88.com

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline - 0967252998
CSKH - 0967252998